BẢN TIN HỘI NGHỊ
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO HỌC KỲ HÈ
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT (2014-2021)
Nhằm mục đích tổng kết và đánh giá hiệu quả tổ chức đào tạo Học kỳ hè tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) giai đoạn 2014-2021, nhìn lại những kết quả đạt được trong việc tổ chức Học kỳ hè đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Trường; xác định những khó khăn, thách thức trong việc tổ chức Học kỳ hè tại Trường trong giai đoạn 2014-2021; Từ đó đề ra những giải pháp, phương hướng nâng cao chất lượng trong việc tổ chức Học kỳ hè trong thời gian tiếp theo, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện 03 học kỳ ở mỗi năm học trong bối cảnh mới của UEL. Ngày 03/12/2021, Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức hội nghị đánh giá hiệu quả tổ chức đào tạo Học kỳ hè tại trường giai đoạn 2014-2021. Hội nghị được tổ chức kết hợp bằng hai hình thức trực tiếpvà trực tuyến.
Đến tham dự hội nghị, có 46 cán bộ viên chức tham gia gồm Ban giám hiệu, đại diện lãnh đạo các Khoa/ Bộ môn, lãnh đạo các đơn vị, các giảng viên UEL và thành viên trong Ban tổ chức hội nghị.
Chủ trì Hội nghị:
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng, Trưởng BTC hội nghị
TS Nguyễn Thanh Trọng – Trưởng Phòng Đào tạo, Phó Trưởng BTC hội nghị
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng, Trưởng BTC, đã có bài phát biểu khai mạc đánh giá tầm quan trọng của Hội nghị trong tình hình mới, giai đoạn chuyển đổi số và UEL tiến hành tự chủ đại học từ năm học 2021-2022.
TS Nguyễn Thanh Trọng – Trưởng Phòng Đào tạo, Phó Trưởng BTC hội nghị, đã báo cáo đề dẫn và tổng quan các báo cáo tham luận, từ đó có những định hướng những nội dung cần thảo luận góp ý tại Hội nghị.
Hội nghị đã thu hút được 17 bài viết nêu bật được những thành tựu Học kỳ hè qua các năm triển khai thực hiện từ 2014-2021 và những đánh giá khách quan của giảng viên và sinh viên đã từng tham gia Học kỳ hè. Việc tổ chức Học kỳ hè tại Trường Đại học Kinh tế -Luật (UEL) từ 7/2014 hoàn toàn phù hợp với Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/08/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Đại học Quốc gia TP.HCM được ban hành kèm theo Quyết định số 1368/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 21/11/2008. Học kỳ hè là học kỳ không bắt buộc, được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên học lại, học bù, học vượt nhằm triển khai và phát huy những ưu điểm của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Việc tổ chức Học kỳ hè cũng nhằm khai thác cơ sở vật chất của Trường trong những tháng hè, giảm tải số lượng lớp học ở hai học kỳ chính, góp phần đảm bảo việc bố trí lớp học trong điều kiện quy mô đào tạo và số chương trình đào tạo, số lớp học phần những năm qua, nhất là từ năm 2017, ngày càng mở rộng và tăng nhanh. Học kỳ hè đã tạo điều kiện thuận lợi cho 5.862 sinh viên UEL tốt nghiệp đúng hạn trong tổng số 10.049 sinh viên tốt nghiệp giai đoạn 2014-2021, chiếm tỷ lệ 58,33%; và giúp 248 sinh viên tốt nghiệp trước hạn so với 255 sinh viên tốt nghiệp trước hạn, chiếm 97,3% sinh viên tốt nghiệp trước hạn toàn trường (số liệu cập nhật đến 15/9/2021). Ngoài ra 28/28 sinh viên tốt nghiệp song bằng (tỷ lệ 100%) đều tham gia Học kỳ hè. Có thể thấy, sinh viên tốt nghiệp đã tham gia Học kỳ hè ít nhất 01 lần, tối đa 5 lần, với việc đăng ký môn học ít nhất 01 môn, nhiều nhất là 22 môn, trung bình mỗi sinh viên học được 3,71 môn (chiến 8,56% tín chỉ toàn chương trình).
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận (12 lượt và 31 ý kiến góp ý thảo luận), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức hội nghị, đã có phát biểu kết luận Hội nghị:
⦁ Hội nghị “Đánh giá hiệu quả tổ chức đào tạo Học kỳ hè tại trường giai đoạn 2014-2021” cơ bản đã thành công, đáp ứng được các yêu cầu đã đặt ra, giúp cho BGH có cái nhìn bao quát về quá trình tổ chức Học kỳ hè tại trường Đại học Kinh tế - Luật giai đoạn 2014-2021.
⦁ Việc tổ chức hội nghị về công tác đào tạo hướng đến chất lượng, tiên phong thí điểm, gắn liền trong bối cảnh mới là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa Chiến lược của nhà trường đã được ĐHQG góp ý và đang được phê duyệt chính thức. Kế hoạch đào tạo được đặt trong bối cảnh chung trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà Trường, hướng đến chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà Trường (nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…) cần có những điều chỉnh, chế độ nhằm giảm áp lực cho GV; xây dựng kế hoạch cần chủ động, mỗi năm cần có điều chỉnh phù hợp kể cả việc bố trí giảng viên trong Khoa thay phiên nhau giảng dạy trong năm học.
⦁ Giao Phòng Đào tạo chủ trì xây dựng đề án Học kỳ hè phù hợp cho giai đoạn kế tiếp trong bối cảnh tự chủ đại học.
⦁ Cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động giảng dạy và quản lý. Một số ngành được Bộ GD&ĐT cho phép dùng 30% giảng dạy trực tuyến do đó cần phải cải thiện, cần có học liệu trực tuyến./.